Khám phá những bí mật phía sau món Sashimi nức tiếng
05/10/2023
Những lát sashimi “nhỏ mà có võ” không đơn thuần chỉ là một món ăn trên bàn tiệc mà còn ẩn chứa trong mình ý nghĩa rất riêng. Từ nguồn gốc đến hình thức trình bày, sashimi đều mang đậm những dấu ấn của đất nước và con người Nhật Bản.
Nguồn gốc của sashimi
Có rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc sashimi được lưu lại từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Một câu chuyện đã chỉ ra rằng món ăn này đã xuất hiện từ thời Heian. Sashimi có nguồn gốc từ món cá sống thái ra ăn kèm với rau củ ngâm giấm gọi là “namasu” và được phục vụ trong triều đình.
Một câu chuyện khác được dân gian lại lưu truyền nói rằng món sashimi ra đời do điều kiện thổ nhưỡng và tập tục sinh hoạt của người dân Nhật Bản từ xưa. Khi vào mùa đông, thời tiết rất lạnh nên thức ăn trên đất liền khan hiếm. Tuy nhiên, lúc này các loại hải sản lại phát triển mạnh, chính vì vậy họ đã nghĩ ra cách chế biến ăn sống để đảm bảo sự tươi ngon, đồng thời giữ trọn nguồn dinh dưỡng của hải sản (bởi khi chế biến ở nhiệt độ cao, cá sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng và vitamin).
Sau này, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật với công nghệ bảo quản ướp lạnh, món ăn này ngày càng được yêu thích và lan rộng khắp thế giới.
Cấu tạo của sashimi gồm 4 phần
Sashimi không đơn giản chỉ là một món ăn với những lát hải sản tươi sống được trình bày, trang trí đẹp mắt. Bởi từng thành phần, nguyên liệu trong một đĩa sashimi đều có vai trò và ý nghĩa riêng.
Một phần sashimi cơ bản gồm 4 thành phần: Sashimi, Ken, Tsuma và Yakumi
1. Sashimi
Sashimi là phần đồ tươi sống trong đĩa và cũng là phần chính của món ăn. Sashimi phổ biến nhất có lẽ là các loại cá và hải sản tươi, được cắt thành những lát mỏng với kích thước đều tăm tắp. Các loại sashimi cá phổ biến và được ưa chuộng phải kể đến cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá cam. Còn hải sản thường được sử dụng làm sashimi là mực, hàu sữa, sò điệp. Bên cạnh sashimi, Basashi (thịt ngựa sống) cũng được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản. Ngoài ra, bạn còn thấy người Nhật ăn Torisashi (thịt gà sống), đây là một trong những đặc sản tại khu vực Kyushu.
2. Ken
Ken chính là phần rau củ bào sợi nhuyễn trong một phần sashimi. Các loại rau củ được ưa chuộng sử dụng là dưa leo, củ cải đỏ, củ cải trắng. Bên cạnh vai trò trang trí món ăn thêm đẹp mắt, Ken còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch vòm miệng. bạn sẽ cảm nhận rõ hơn vị tươi ngon của từng miếng sashimi khi ăn một chút Ken xen giữa 2 loại sashimi khác nhau.
3. Tsuma
Tsuma là phần những loại hoa lá theo mùa, giúp làm tăng hương vị của sashimi và trang trí cho dĩa sashimi đẹp mắt hơn.
Tsuma thường thấy nhất là lá tía tô Nhật Bản, hoa cúc nhỏ hay đơn giản đó chỉ là một vài lát chanh tươi.
4. Yakumi
Các loại gia vị ăn kèm sashimi được gọi là Yakumi. Gừng, tỏi, wasabi chính là gia vị ăn kèm không thể thiếu khi thưởng thức sashimi. Trong đó, wasabi là loại gia vị phổ biến nhất, gừng thường được dùng kèm sashimi cá sòng còn tỏi thì thường được dùng kèm sashimi cá ngừ vằn.
Yakumi có tác dụng góp phần khử mùi tanh của hải sản. Vì vậy, bạn hãy ăn kèm một chút Yakumi khi thưởng thức sashimi như một người Nhật chính hiệu nhé.
Sự khác biệt giữa sashimi và sushi
Sự đa dạng về hình thức, nguyên liệu và cách bày trí chính khiến thực khách khó tránh khỏi sự nhầm giữa hai món ăn “quốc hồn quốc túy” nước Nhật. Riêng sushi về cơ bản đã có tới 6 loại, trong đó Nigirizushi là loại sushi dễ bị thực khách nhầm với sashimi bởi có thành phần là thịt tươi sống. Tuy nhiên, vì có thêm cơm trắng nên đây vẫn là 1 loại sushi.
Điểm khác biệt cơ bản, dễ nhận thấy nhất chính là sashimi chỉ có đồ sống, còn sushi bao gồm đồ sống và cơm giấm.
-
Sashimi là món từ đồ sống hoàn toàn nguyên sơ, không chế biến với nhiệt và không có cơm trắng. Các loại hải sản như cá hồi, cá ngừ, mực,...sẽ được cắt thành những lát đều, vừa ăn. Khi thưởng thức sẽ chấm cùng các loại sốt và ăn kèm gừng, wasabi.
-
Còn sushi gồm cơm giấm và đồ sống, tuy nhiên, đồ sống của sushi không nguyên sơ như sashimi mà đã được sơ chế qua hoặc tẩm vị trước.
Sashimi và sushi cũng có vai trò và vị trí khác nhau trong bữa tiệc hay trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản
-
Nếu như sashimi là món ăn được sử dụng như món khai vị đánh thức các giác của thực khách thì sushi lại là món ăn chính, “ ăn cho no bụng” của Người Nhật. Vì sử dụng như món khai vị nên sashimi cũng được dọn ra gần như đầu tiên trong bữa tiệc, trước sushi.
-
Với khía cạnh văn hóa ẩm thực, cả hai món ăn đều là “quốc hồn quốc túy” của Đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, nếu sashimi được coi là nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực thì sushi lại được xem như một nghệ thuật về bày trí món ăn của Nhật Bản.
Có lẽ, sẽ hơi đáng sợ khi nghĩ đến hay lần đầu thưởng thức các món hải sản sống trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Nhưng nếu đã từng ăn một lần, bạn sẽ hiểu vì sao sashimi được gọi với danh hiệu món ăn “quốc hồn quốc túy” của Xứ sở hoa anh đào. Nếu là một người yêu thích văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa ẩm thực, bạn nhất định không được bỏ qua món ăn đặc sắc này.
Kim Tuyến