Khám phá sự đa dạng vượt bậc của kim chi Hàn Quốc
13/10/2023
Nếu không tìm hiểu về kim chi cũng như ẩm thực Hàn Quốc, có lẽ khi nhắc tới kim chi bạn sẽ nghĩ món ăn này là cải thảo lên men, màu đỏ, ăn vị chua cay và có mùi tỏi, hành hẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, kim chi cải thảo chỉ là một trong số 187 loại kim chi đã được Bảo tàng về kim chi ở thủ đô Seoul ghi nhận. Vì vậy, trong bài viết hôm nay, hãy cùng Po khám phá ngay kho tàng kim chi đầy phong phú để hiểu hơn về món ăn này nhé.
1. Kim chi cải thảo
Kim chi cải thảo trong tiếng Hàn là Baechu Kimchi đó mọi người ạ. Loại kim chi này có lẽ đã quá nổi tiếng với thực khách bởi thường xuyên xuất hiện và gắn liền với hình ảnh đất nước Hàn Quốc. Đây là món ăn kèm không thể thiếu trong bữa ăn của người Hàn, trong các nhà hàng Hàn và cả trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Cách làm kim chi cải thảo chuẩn vị Hàn là sau khi rửa sạch cải, ngâm nước muối, ta sẽ phết đều hỗn hợp gia vị gồm ớt bột, hành hẹ, cà rốt, tỏi,...vào các bẹ lá và bảo quản trong hũ để chúng lên men.
Kim chi cải thảo thường được muối khi mùa đông đến. Và khi tới Hàn Quốc du lịch, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc chum, vại lớn trong hoặc kế bên nhà của người Hàn, chính là chum, vại dùng để đựng kim chi đó.
2. Kim chi củ cải
Một loại kim chi nổi tiếng không kém kim chi cải thảo chính là kim chi củ cải.Kim chi củ cải được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó nổi tiếng hơn cả là Yeolmu Kimchi và Kkakdugi Kimchi.
- Yeolmu Kimchi
Yeolmu Kimchi được chế biến từ củ cải non với điểm đặc biệt là củ cải non sẽ được sơ chế và lấy luôn cả phần lá và rễ để muối. Bởi cơ bản, rễ củ cải non rất mềm và dễ chế biến, không cần cầu kỳ như củ cải đã trưởng thành.
Yeolmu Kimchi có vị ngọt thanh hấp dẫn và ngon nhất vào mùa hè, mùa xuân. Người Hàn đặc biệt thích ăn kim chi củ cải non với cơm trộn, mì trộn hay mì lạnh.
-
Kkakdugi Kimchi
Kkakdugi Kimchi cũng là kim chi củ cải nhưng món ăn này được chế biến từ củ cải trưởng thành. Và khi làm Kkakdugi Kimchi đầu bếp sẽ phải bỏ phần cuống lá màu xanh và cắt củ cải thành từng miếng hạt lựu vừa ăn.
Nhiều người Hàn cho biết Kkakdugi sẽ ngon nhất vào giữa đến cuối mùa thu vì đây là mùa nông dân Hàn Quốc thu hoạch củ cải truyền thống.
3. Kim chi dưa leo
Kim chi dưa leo trong tiếng Hàn gọi là Oi Sobagi Kimchi. Loại quả này có thời gian lên men khá nhanh và khi lên men sẽ có vị chua ngọt nhưng vẫn giữ được độ giòn.
Nguyên liệu chính để làm Oi Sobagi chính là dưa chuột Kirby của Hàn Quốc (loại dưa chuột có kích thước nhỏ và đặc ruột). Với món kim chi này, dưa leo sẽ được xẻ dọc và chữa lại khoảng 2cm ở phần cuống để các miếng dưa không bị tách rời. Sau khi ướp muối trắng, dưa sẽ được rửa sạch và trộn với các nguyên liệu làm kim chi quen thuộc.
Oi Sobagi Kimchi có vị tươi mát, giòn giòn nên thường được ăn kèm với mì tương đen và súp thịt bò Hàn Quốc.
4. Kim chi hành lá
Kim chi hành lá có tên Pa Kimchi trong tiếng Hàn bởi Pa có nghĩa là hành. Hai loại hành có thể chế biến thành kim chi là jjokpa (hành có lá to và mỏng) và silpa (hành lá nhỏ mà người Việt thường dùng làm gia vị khi nấu ăn). Tuy nhiên, được ưa chuộng hơn cả là salpa. Người Hàn thường làm Pa Kimchi vào mùa xuân, khi mà những lá hành vào độ tươi tốt, thơm ngon nhất.
Khi chế biến Pa Kimchi, ta không cần ngâm hành với muối mà sẽ trộn luôn hành với các gia vị làm kim chi, sau đó bỏ thêm một chút vừng và dầu mè. Và Pa Kimchi thường được người Hàn ăn kèm với cơm hoặc mì gói.
5. Kim chi lá hẹ
Bên cạnh hành lá, hẹ cũng là một loại nguyên liệu chính để làm kim chi. Người Hàn có hẳn món kim chi lá hẹ (Buchu Kimchi) chứ không đơn thuần chỉ dùng hẹ như một loại gia vị cho các món kim chi khác đâu nhé.
Để chế biến Buchu Kimchi, người Hàn sẽ ngâm sơ hẹ qua mắm cá cơm, sau đó trộn đều với ớt bột, đường, gừng, tỏi và muối trong hũ. Kim chi từ lá hẹ không những không bị hăng nồng mà còn có mùi thơm nhẹ rất dễ ăn. Người Hàn thường muối và ăn Buchu Kimchi vào mùa hè.
6. Kim chi cải chíp
Kim chi cải chíp được làm từ cải chíp của Việt Nam, trong tiếng Hàn là cải Bokchoy nên loại kim chi này được gọi là Bokchoy Kimchi.
Về cơ bản, kim chi cải chíp có cách làm tương tự như kim chi cải thảo, tuy nhiên, thay vì muối 1 tới 2 ngày như Baechu Kimchi thì Bokchoy Kimchi sẽ ăn ngay sau khi trộn tương tự một món salad ăn kèm.
Loại kim chi này thường được muối vào cuối thu, khi thời tiết Hàn Quốc bắt đầu chuyển lạnh sâu, những cây cải thảo dần già và mất đi vị ngọt.
7. Kim chi lá mù tạt
Kim chi lá mù tạt hay Gat Kimchi là loại kim chi có xuất xứ từ tỉnh nam Jeolla (Hàn Quốc). Có lẽ đây là một trong những loại kim chi độc đáo và lạ miệng nhất của người Hàn, bởi nguyên liệu chính tạo nên món ăn này là lá mù tạt xanh.
Lá mù tạt xanh có mùi khá nồng, hơi canh nhẹ, rất kích thích vị giác. Chính vì đặc tính cay nồng sẽ khiến bụng và cơ thể ấm nóng hơn nên loại kim chi này là món ăn kèm phổ biến tại hàn khi thời tiết vào đồng, hoặc khi thưởng thức các loại hải sản tươi sống.
8. Kim chi lá vừng
Lá vừng không chỉ đảm đương tốt vai trò là loại rau ăn kèm thịt nướng BBQ tẩm ướp chuẩn vị Hàn mà còn “cân được” cả vị trí nguyên liệu làm kim chi với tên gọi Kkaennip Kimchi.
Khi chế biến kim chi lá vừng, người Hàn sẽ trộn lá vừng với hỗn hợp gia vị gồm ớt bột, gừng, tỏi, nước tương, sau đó cho chúng vào hũ và muối khoảng một tuần. Khi thưởng thức Kkaennip Kimchi có vị đắng đặc trưng của lá vừng quyện với vị cay nhẹ và mùi thơm nồng của các loại gia vị.
9. Kim chi cọng khoai lang
Kim chi cọng khoai lang được gọi là Goguma julgi Kimchi trong tiếng Hàn. Đây là một loại kim chi rất đặc biệt khi được làm từ phần cọng của lá khoai lang (phần nối với lá khoai lang).
Phần cọng lá sẽ được tước bỏ lớp bên ngoài và ngâm nước muối để bớt vị chát và trắng hơn. Sau đó người Hàn sẽ trộn chúng với các loại gia vị làm kim chi thông thường, nhưng có bỏ thêm một chút vừng, dầu mè để đậm vị và dậy mùi hơn.
Goguma julgi thường sẽ được ăn xổi (ăn luôn khi trộn) và ăn kèm với các món gà như gà rán, gà hầm sâm hay súp gà.
10. Nabak Kimchi
Nabak kimchi là một loại kimchi nước với vẻ ngoài trông tương đối giống dưa góp của Việt Nam. Loại kim chi này được chế biến từ nhiều loại rau củ khác nhau, từ cà rốt, củ cải cho tới dưa leo, cải thảo hay ớt. Tất cả các nguyên liệu tạo nên Nabak đều được sơ chế và bỏ vào nước gia vị.
Nabak Kimchi rất phổ biến và có thể thưởng thức quanh năm. Tuy nhiên món ăn được đánh giá phù hợp nhất với loại kim chi này chính là Tteokguk (súp bánh gạo) - món ăn truyền thống của người Hàn Quốc vào dịp năm mới.
Kim Tuyến