Hương vị lẩu nào sau đây sẽ chiếm được trái tim của bạn?
18/08/2023
Chưa có tài liệu chính thống nào chứng minh được nguồn gốc của lẩu. Tuy nhiên, một số nguồn tin chỉ ra rằng Mông Cổ là nơi đầu tiên xuất hiện lẩu và dần được các nước châu Á ưa chuộng, “biến tấu” theo khẩu vị bản địa. Giờ đây, lẩu đã trở thành món ăn được chỉ mặt điểm tên quanh năm trên bản đồ ẩm thực của nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Lẩu là gì?
Lẩu (có nguồn gốc từ giọng Quảng Đông: nghĩa là "bếp lò"), là một loại món ăn phổ biến xuất phát từ Mông Cổ, nhưng ngày nay được các nước Đông Á ưa thích. Lẩu thường được ngầm hiểu với nghĩa là nhiều hương vị, một nồi lẩu bao gồm một bếp (ga, than hay điện) đang đỏ lửa và nồi nước dùng đang sôi. Các món ăn sống được để xung quanh và người ăn gắp đồ ăn sống bỏ vào nồi nước dùng, đợi chín tới và ăn nóng. Có thể sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu để kết hợp trong món ăn này, thế nhưng đó không phải sự kết hợp vô tội vạ các nguồn thực phẩm mà dựa trên nguyên tắc nhất định làm tăng thêm hương vị. Ví dụ khi ăn lẩu bò, để tăng độ ngọt của nước lẩu có thể cho thêm trứng vịt lộn sống, quá trình làm trứng chín sẽ khiến nước dùng lẩu ngọt tự nhiên mà không cần dùng tới quá nhiều gia vị.
Mặc dù lẩu ở mỗi quốc gia sẽ đem lại hương vị riêng song dường như nước dùng thường sẽ được ninh từ xương và thịt, ăn cùng với nhiều loại rau khác nhau. Các món ăn sống được để xung quanh và người ăn gắp đồ ăn sống bỏ vào nồi nước dùng, đợi chín tới và ăn nóng. Thông thường đồ ăn dùng làm món lẩu là: thịt, cá, lươn, rau, nấm, hải sản...
Vậy đâu là dấu ấn riêng mỗi nước?
Lẩu Trung Hoa
Được xem như cái nôi của lẩu, đất nước tỉ dân sẽ không làm bạn thất vọng với vô số loại lẩu phải kể đến như lẩu cay Tứ Xuyên, lẩu Thượng Hải, lẩu hoa cúc Tô Hàng, lẩu hải sản Quảng Đông, lẩu khô Hồ Nam và rất nhiều loại lẩu khác. Đặc điểm chung của hầu hết trong số này là cay, nóng, mang hương vị nồng của nhiều loại gia vị như quế, hồi, tiêu, ớt. Đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn ưa thích hương vị này.
Lẩu Thái
Lẩu Thái ít bị lẫn với bất kỳ món lẩu nào khác bởi hương thơm của riềng, sả, lá chanh, và độ cay xé của ớt trên đầu lưỡi. Nức tiếng với nhiều loại lẩu nhưng mang lại hương vị khó quên nhất với thực khách chắc hẳn là lẩu Thái tôm yum. Trong tiếng Thái, tom có nghĩa là canh hoặc súp, yum nghĩa là chua cay, tomyum là tên gọi chỉ món canh hay lẩu có vị chua cay của người Thái. Lẩu Tom Yum là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau, đặc biệt trong số đó phải kể đến lá chanh Kaffir và nước cốt dừa. Hương vị chua nhẹ, cay nồng, thơm thơm của sả, thêm chút ngọt béo của nước cốt dừa sẽ khiến người thưởng thức như lạc vào “mê cung vị giác”. Sự hòa quyện hương vị chua cay mặn ngọt của các loại hải sản, nấm, thịt bò, rau củ, lá chanh Thái… cũng đủ để thực khách nhớ mãi không quên.
Lẩu Nhật Bản
Đất nước mặt trời mọc được nhớ đến với núi Phú Sĩ hùng vĩ, hoa anh đào mộng mơ và nền ẩm thực phong phú. Khác với vị cay xé lưỡi của lẩu Tứ Xuyên hay hương vị chua cay đặc trưng của lẩu Thái tôm yum, lẩu Nhật lại làm nổi bật vị thanh thanh nhẹ nhàng của các loại thảo mộc và rau củ.
Lẩu Miso hay Shabu Shabu mang tới hương vị tinh tế, thanh đạm và mùi thơm rất đặc trưng của tương Miso. Bên cạnh đó, các loại nước chấm đặc trưng như nước sốt ponzu (chế biến từ các loại cam quýt), củ cải bào, nước tương cũng trở thành nét điểm xuyết vừa ngon mắt vừa ngon miệng trên bàn ăn của người Nhật. Nếu bạn là tín đồ của những món ăn có vị thanh đạm nhưng vẫn muốn thưởng thức nồi lẩu thơm ngon thì không phải bàn cãi nữa, lẩu Nhật Bản chắc chắn là lựa chọn hoàn mỹ nhất.
Lẩu Hàn Quốc
Cũng là một đất nước ôn đới có khí hậu lạnh, Hàn Quốc phổ biến và ưa thích lẩu không kém cạnh bất kì quốc gia nào. Không chỉ nổi danh với những bộ phim, bài nhạc hay mà còn tạo tiếng vang trên bản đồ ẩm thực thế giới với kim chi, mỳ lạnh, tokbokki (bánh gạo cay)... Trong số đó, lẩu kim chi cũng là nét duyên phải nói đến khi nhớ về quốc gia này.
Lẩu kim chi khá đơn giản nhưng có hương vị rất đặc trưng mà người Hàn yêu thích, đó là đậm đà, cay cay tê tê, càng đun nóng thì càng được xuýt xoa bởi hương vị thơm ngon. Ăn lẩu kim chi, bạn không cần đến công đoạn chờ đợi để chần hay nhúng thêm thứ gì, bởi trong nồi lẩu đã có sẵn đầy đủ "dưỡng chất", gồm thịt ba chỉ, nấm, đậu hũ tươi. Lẩu kim chi còn thường được phục vụ kèm các món phụ gọi là panchan và một tô cơm trắng.
Lẩu Việt Nam
Lẩu Việt Nam đa dạng và mang đậm dấu ấn riêng không trộn lẫn. Lẩu truyền thống Việt Nam có hương vị đậm đà, bình dị, thanh ngọt. Tuy nhiên vẫn có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nếu miền Bắc chuộng lẩu vịt om sấu, lẩu nấm, lẩu riêu cua với phần nước thanh, ngọt tự nhiên, thì lẩu miền Nam gắn liền với hương vị đậm đà hơn như lẩu cá kèo, lẩu mắm. Trong khi đó, miền Trung lại trội hẳn với các loại lẩu cá lóc, lẩu cá đuối bởi nguồn hải sản tươi ngon dồi dào. Nét độc đáo không thể lẫn vào đâu của nồi lẩu Việt có lẽ là sự kết hợp hài hòa của các món lẩu cùng bún và các loại rau đặc trưng như rau muống, rau mồng tơi, cải cúc, cải ngọt, bắp cải, cải thảo, bắp chuối…
Mùa thu năm nay đã đến, còn điều gì tuyệt hơn khi được cùng cả gia đình, bạn bè ngồi quanh nồi lẩu nghi ngút khói, trò chuyện và kể cho nhau những câu chuyện đã gặp đã nghe qua. Đón một mùa se lạnh mới, thử ngay và nói cho Poseidon biết đâu là hương vị lẩu bạn ưng ý nhất nhé!
Thanh Thúy