Bật mí công thức lưu truyền làm bánh chưng xanh, dẻo, thơm

Bánh chưng được biết đến là một biểu tượng truyền thống không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Được sáng tạo và ra đời từ hàng nghìn năm trước, đồng thời đã xuất hiện trong những trang chuyện cổ tích xa xưa của nước ta, bánh chưng giờ đây không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc. 

Đặc biệt, theo truyền thống, sự xuất hiện của bánh chưng như một điều đặc biệt và cần thiết trong mỗi dịp Tết đến xuân về bởi nó không chỉ là một món ăn mang các giá trị tinh thần mà bánh chưng còn được dùng làm lễ vật dâng cúng tổ tiên. Qua đó giúp ta thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của con cháu đối với cha ông và với đất trời. Đồng thời có một điều ở bánh chưng khiến con người ta u mê và chìm đắm vào nó. Đó chính là hương vị mang đậm chất quê hương gắn liền với những hương thơm hòa quyện trong các loại nguyên liệu.

Nhưng theo thời gian, bánh chưng cũng được truyền tay qua nhiều thế hệ, mỗi thế hệ lại có một cách làm khác nhau, mỗi vùng miền lại tiếp nhận khác nhau. Vậy đâu sẽ là công thức làm bánh chưng ngon nhất để bánh luôn xanh dẻo và thơm?

1. Chuẩn bị nguyên liệu

- Gạo nếp: 4kg (nên chọn gạo nếp cái hoa vàng có hạt to, tròn mẩy lại thơm ngon và phù hợp nhất để làm nên chiếc bánh chưng chất lượng)

- Đậu xanh: 1kg (chọn đậu xanh hạt nhỏ, ruột vàng và đã tách vỏ)

- Thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn: 800g (chọn thịt nạc có xen lẫn mỡ, ngon nhất là tỉ lệ 7 nạc 3 mỡ)

- Gia vị: muối, tiêu, đường

- Lá dong: 2 bó (nên chọn lá xanh mướt, có tán lá to và đậm màu, đồng thời những chiếc lá nên rộng bằng nhau vì một chiếc bánh thường cần 4 lá bằng nhau sẽ đẹp và dễ dàng hơn. Bạn cố gắng không mua phải những chiếc lá hơi héo úa vì nó cũng ảnh hưởng đến khi gói bánh.)

- Lá dứa hoặc lá giềng: 1 bó

- Lạt buộc: 50 cái (những chiếc lạt cần chọn loại mềm, dễ uốn, mỏng và dẻo để gói bánh được dễ dàng)

Chuẩn bị những nguyên liệu ngon nhất làm nên chiếc bánh chưng tuyệt hảo

2. Các bước thực hiện

Bước 1: Vo gạo nếp và đậu xanh để loại bỏ các bụi bẩn và sạn dư. Sau đó hãy ngâm gạo nếp và đậu xanh không vỏ trong nước lạnh qua đêm hoặc ít nhất 7 tiếng, còn nếu gạo ngâm trong nước ấm thì số giờ ngâm sẽ bớt đi. Việc ngâm này sẽ giúp hạt gạo nếp được mềm và sẽ dẻo thơm hơn khi nấu. Nếu muốn nếp lên màu xanh đẹp và thơm hơn, bạn có thể ngâm gạo nếp với lá dứa hoặc lá giềng xay nhuyễn và lọc lấy nước.

Bước 2: Sau khi ngâm xong, đổ gạo nếp và đậu xanh ra rổ để ráo nước một lúc. Trộn mỗi nguyên liệu với 1 muỗng canh muối cho vị đậm đà, riêng đậu xanh trộn thêm chút tiêu thơm. Nếu muốn đậu xanh mềm hơn, có thể hấp chín rồi dằm nhuyễn, hoặc để nguyên hạt cũng vẫn ngon mê ly.

Bước 3: Thịt lợn làm sạch trước với nước và có thể chà qua với muối để loại bỏ bớt mùi hôi. Đem thịt thái miếng to và dày hơn miếng ăn bình thường. Với kích thước của một chiếc bánh chưng thông thường, thịt sẽ dài khoảng 5 -7 cm, dày tầm 0,5 cm là đẹp. Sau đó, hãy ướp thịt với muối, tiêu, đường và để chừng 10-15 phút cho thịt ngấm trước khi gói. 

Nếu nhà bạn thích hương vị của hành thì có thể chuẩn bị hành xay trộn với thịt, hoặc chọn hành tươi đem rửa sạch và thái lát để làm nhân bánh cũng rất thơm. 

Bước 5: Lá dong đem đi rửa sạch, rồi ngâm khoảng 30 phút mềm ra. Vớt lá dong để ráo nước sau đó dùng khăn sạch, mềm lau khô cả 2 mặt của lá. Dùng kéo cắt riêng phần sống lá.

Bước 6: Gói bánh chưng bằng khuôn hoặc bằng tay. 

Nếu gói bằng khuôn, xếp 4 miếng lá dong vào khuôn, mỗi lá gập ngang lại tạo 1 đường thẳng, đặt lá dong đứng theo đường thẳng này và xếp vào 4 góc của khung. Cho gạo nếp vào trong khuôn, dàn đều ra 4 góc và ở giữa để hơi lõm. Cho đậu xanh vào giữa, đặt thêm vài miếng thịt, phủ tiếp đậu xanh sau đó phủ gạo và dàn đều. Gấp lá dong lại, dùng 1 tay giữ miệng gấp rồi nhấc khuôn lên, lấy dây buộc 2 vòng theo hình chữ thập. Không buộc dây quá chặt, để tránh bánh nở không đẹp, ngon. 

Nếu gói bằng tay, xếp 4 miếng lá dong vuông góc với nhau, mặt trái hướng lên trên, sau đó đặt tiếp 2 miếng lá dong nữa cũng vuông góc với nhau nhưng lúc này mặt phải của lá lại hướng lên trên. Cho gạo nếp vào giữa, dàn đều ra 4 góc và ở giữa để hơi lõm. Cho đậu xanh vào giữa, đặt thêm vài miếng thịt, phủ tiếp đậu xanh sau đó phủ gạo và dàn đều. Gấp lá dong lại, dùng dây buộc 2 vòng theo hình chữ thập. Không buộc dây quá chặt, để tránh bánh nở không đẹp, ngon.

Luộc bánh chưng lâu mới giúp bánh chưng thêm xanh dền

Bước 7: Nấu bánh chưng trong nồi nước sôi, nước phải ngập hết bánh. Nấu liên tục trong 10-12 tiếng, thường xuyên thêm nước sôi để bánh luôn được ngập nước. Sau khi nấu xong, vớt bánh ra, ngâm trong nước lạnh để bánh cứng lại và lá dong xanh đẹp. Vò bánh cho vuông vắn, để ráo nước rồi dùng khăn sạch lau khô bánh.

Dù mỗi vùng có thể mang tới công thức có chút khác nhưng nhìn chung thành phẩm cuối cùng vẫn là chiếc bánh chưng vuông vức, hạt gạo xanh dẻo, đỗ thịt hòa quyện béo ngậy lại rất thơm ngon. Thế nên, dù đã nhiều năm trôi qua, biết bao thế hệ tiếp nối thì bánh chưng vẫn giữ được vị trí hàng đầu trong ẩm thực truyền thống Việt Nam. Và nếu mỗi người con có đi đâu xa, chỉ cần 1 chiếc bánh chưng ngày Tết cũng đủ để thấy ấm áp trọn tình người. 

Quỳnh Chi

Đặt bàn thành công

0967088288