Thưởng thức cá hồi thế nào cho đúng cách
03/02/2023
Bất cứ thực khách nào tới Poseidon đều không thể khước từ thử món cá hồi sashimi, cháo cá hồi hay cá hồi nướng tại bàn được.
Tất tật về cá hồi
Cá hồi là loài cá có khả năng kỳ lạ, sinh ra ở vùng nước ngọt, sau đó di cư ra biển rồi đến mùa sinh sản lại quay về vùng nước ngọt, nơi chúng đã được sinh ra để sinh sản các thế hệ tiếp theo. Khả năng này của chúng được các nhà khoa học gọi là „ký ức khứu giác“ giúp chúng quay lại chính xác nơi mình đã sinh ra. Tuy nhiên cũng có những loài cá hồi sống hoàn toàn ở các vùng nước ngọt.
Trên thế giới có 9 loài cá hồi có tính thương mại quan trọng: Loài thứ nhất thuộc giống Salmo – cá hồi Đại Tây Dương, 8 loài còn lại thuộc giống Oncorhynchus – được gọi là cá hồi Thái Bình Dương.
Ngày nay thì cá hồi được sản xuất nhiều trong ngành nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi trên thế giới.
Màu sắc thật sự của cá hồi
Thưởng thức món cá hồi thường xuyên như vậy nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về màu sắc thực sự của thịt cá hồi?
Màu sắc của thịt cá hồi, cho dù tự nhiên hay nuôi, được xác định bởi chế độ ăn uống của nó. Màu thịt cá hồi thay đổi từ màu đỏ cam đến màu hồng ngà, là kết quả của mức độ sắc tố hữu cơ Astaxanthin có trong những gì cá đã ăn.
Astaxanthin là một sắc tố đỏ được sản sinh tự nhiên trong vi tảo nước ngọt Haematococcus pluvialis (Vi tảo lục) và nấm men Xanthophyllomyces dendrorhous (còn được gọi là Phaffia). Khi tảo bị căng thẳng do thiếu chất dinh dưỡng, tăng độ mặn hoặc ánh nắng mặt trời quá nhiều, nó sẽ tạo ra Astaxanthin. Những động vật ăn tảo, chẳng hạn như cá hồi, cá hồi trout đỏ, cá tráp biển đỏ, hồng hạc và động vật giáp xác (tức là tôm, nhuyễn thể, cua, tôm hùm và tôm càng), sau đó phản ánh sắc tố Ataxanthin màu đỏ cam ở nhiều mức độ khác nhau.
Cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi có màu sắc khác nhau do chế độ ăn của chúng. Chúng ta có thể phân biệt khi đặt 2 miếng cá hồi cạnh nhau, miếng nào đỏ tươi và đậm hơn thì chính là cá hồi tự nhiên, còn nhạt hơn là cá hồi nuôi.
Ngoài ra, cá hồi nuôi thường béo hơn cá hồi tự nhiên. Điều này có thể quan sát bằng mắt thường bởi thân cá hồi nuôi trông khá tròn. Cá hồi tự nhiên chỉ có theo mùa và màu sắc thịt có thể đa dạng hơn do nguồn thức ăn và chế độ ăn phong phú.
Những khác biệt về dinh dưỡng giữa cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên
Thông thường, cá hồi hoang dã chứa ít calo, chất béo bão hòa, vitamin A và D hơn cá hồi nuôi nhưng lại chứa nhiều chất đạm hơn.
Trong khi đó, hàm lượng omega 3 của cá hồi nuôi và tự nhiên sẽ thay đổi tùy thuộc vào những gì chúng ăn.
Theo một đánh giá năm 2017 tại Mỹ, cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi có hàm lượng axit béo omega-3 tương đương nhau. Trong khi cá hồi tự nhiên có hàm lượng axit béo omega-6 và DHA (Docosahexaenoic acid) cao hơn cá hồi nuôi.
Omega-3 là một axit béo rất quan trọng đối với chức năng của não bộ, thị lực, chống viêm sưng, tăng cường sản xuất tinh trùng,…
9 món cá hồi ngon tuyệt đỉnh
- Cá hồi hun khói
- Cá hồi nướng
- Cá hồi sốt bơ tỏi
- Cá hồi sốt chanh leo
- Canh chua cá hồi
- Cá hồi chiên xù
- Salad cá hồi
- Cá hồi sashimi
- Cháo cá hồi